Tại chợ nông sản Chi Lăng, 100 triệu đồng là mức giá được trả thành công cho 1 quả na bở. Đáng nói, loại na này trước kia từng bị “thất sủng”, nông dân phải chặt bỏ nhưng vài năm gần đây lại được giới sành ăn lùng mua.
Na là loại quả đặc sản được trồng ở rất nhiều địa phương như: Chi Lăng (Lạng Sơn), Đông Triều (Quảng Ninh), Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), Hà Giang... Thời điểm này na đang vào vụ thu hoạch rộ nên đổ bộ chợ, phủ sóng khắp các hội buôn bán online, cửa hàng, siêu thị. Giá na phổ biến ở mức 25.000-80.000 đồng/kg, song cũng có loại lên tới gần 200.000 đồng/kg.
Mới đây, tại chợ nông sản Chi Lăng (Lạng Sơn), ban tổ chức đã đấu giá thành công nhiều trái na với mức giá cao ngất ngưởng. Trong đó, 2 quả na dai Chi Lăng có giá lần lượt là 200 triệu và 220 triệu đồng/trái.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng đấu giá thành công 1 quả na bở với số tiền lên tới 100 triệu đồng - mức giá cao chưa từng có.
Loại na bở này là giống na lâu đời có vỏ dày, cùi dày, vị ngọt thanh. Thế nhưng trước kia, na bở từng bị “thất sủng” khiến nhiều nhà vườn phải chặt bỏ, chuyển qua trồng na dai để hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Trên thị trường, những quả na bở Vip luôn trong tình trạng “cháy hàng” dù đang vào chính vụ thu hoạch.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Văn Ngọc Lan, chủ một cửa hàng hoa quả ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) thừa nhận, đang rộ vụ thu hoạch, mỗi ngày cửa hàng chị nhập về 2 tạ na bở loại Vip nhưng vẫn không đủ hàng bán.
Chị đang bán hàng Vip cỡ 3 quả/kg với giá 180.000 đồng/kg. Mức giá này chị duy trì 4 năm nay, chưa bao giờ hạ nhiệt do trên thị trường na bở luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
“Na bở thơm, vị ngọt thanh, khi ăn cảm giác tan ngay trong miệng, khác hoàn toàn na dai”, chị nói. Đây cũng là nguyên nhân khiến na bở được giới sành ăn lùng mua, nhiều người trở thành khách quen của cửa hàng chị.
Chị Lan cho biết, các khách mua na bở đa phần đặt 3-5kg vì na khi nhận vẫn còn cứng quả, chờ chín đến đâu ăn đến đó.
“Hôm qua có khách đặt 50kg na bở loại Vip. Do lấy lượng lớn nên tôi bán giá 160.000 đồng/kg. Tính ra đơn hàng này lên tới 8 triệu đồng”, chị tiết lộ thêm.
Chị Đào Thị Bích, chủ một cửa hàng trái cây sạch ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), những ngày này cũng tất bật chia đơn na bở để giao cho các khách đã đặt trước đó.
Theo chị, mùa na bở bắt đầu từ cuối tháng 7 Dương lịch. Đầu vụ, na bở chưa chín rộ nên khách muốn ăn đều phải chờ 1-2 ngày, vì mỗi ngày chị chỉ về được khoảng vài chục cân. Từ trung tuần tháng 8 vào chính vụ thu hoạch, na bở về 2-3 tạ mỗi ngày.
Chị đang bán cả na bở và na dai. Giá na dai đắt nhất là 60.000 đồng/kg, trong khi na bở loại trái nhỏ giá cũng lên tới 110.000 đồng, trái hàng tuyển giá 170.000-190.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Tại cửa hàng, na dai lúc nào cũng có sẵn; riêng na bở hàng về đến đâu bán hết đến đó, không có hàng tồn.
Ông Nguyễn Văn Tiến - chủ vườn na 1.500 gốc ở Chi Lăng - chia sẻ, trước kia vùng na chuyên canh ở chỗ ông trồng nhiều na bở. Tuy nhiên, nhu cầu về na bở không cao, giá bán lại thấp nên các chủ vườn quyết định chặt bỏ, chuyển sang trồng na dai. Cũng bởi vậy, na bở dần thành hàng hiếm, giá tăng vọt.
Năm 2018, vườn nhà ông chỉ có 5 cây na bở, khách vào tận nơi đặt cọc mua với giá cao. Mấy năm gần đây ông mở rộng diện tích na bở lên hơn 100 gốc, cây cũng đã cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Liên Khê (Hải Phòng), cho biết, na bở của HTX từ đầu vụ đến giờ vẫn bán được giá 130.000-140.000 đồng/kg.
Hiện, na bở đã vào chính vụ thu hoạch. Một ngày HTX hái được 2-3 tấn na. Số lượng này chủ yếu xuất bán sỉ cho các cửa hàng trái cây ở Hà Nội và một số tỉnh.
“Diện tích na bở của HTX chỉ 100 ha, sản lượng ước tính 700 tấn. Na thu hoạch mỗi ngày tuỳ vào quả chín ít hay nhiều. Thế nên, có những ngày sẽ không đủ hàng trả đơn cho các mối sỉ”, ông nói.
Các nhà vườn ở Đông Triều cũng đang thu hoạch na dai bán với giá 45.000-50.000 đồng/kg. Riêng na bở được thương lái thu mua tận vườn, giá 120.000 đồng/kg (loại 300-350 gram/quả) do diện tích trồng na bở chỉ chiếm khoảng 70ha.
( Theo báo Gia Đình & xã hội )
- Diện tích cây khoai mì của Tây Ninh đứng đầu cả nước (23.11.2023)
- TRỒNG MƯỚP ĐẮNG HỮU CƠ TRÊN VÙNG ĐẤT CÁT (17.10.2023)
- Lâm Đồng: Khuyến cáo không thu hoạch sầu riêng non (13.09.2023)
- Đừng hám lợi trước mắt mà 'giết' cả tương lai xuất khẩu sầu riêng (06.09.2023)
- Trà Vinh chuẩn bị kỹ, sẵn sàng đón cơ hội xuất khẩu dừa tươi (16.08.2023)
- Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh. (01.08.2023)
- Doanh nghiệp gạo Việt được yêu cầu đảm bảo dự trữ lưu thông, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (22.07.2023)
- Ngừng nhập phân bón DAP Korea vì không bảo đảm tiêu chuẩn Việt Nam (18.07.2023)